Đau ruột thừa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Đau ruột thừa là gì? Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân đau ruột thừa

Đau ruột thừa (hay còn có tên gọi khác là viêm ruột thừa), là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa rất hay gặp ở người lớn và cả trẻ nhỏ. Đau ruột thừa rất dễ nhận biết nhưng cũng dễ nhầm với nhiều bệnh lý khác về đường tiêu hóa. Trong bài viết dưới đây, Vietsunpharma sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tình trạng đau ruột thừa, các triệu chứng thường gặp và giải đáp một số thắc mắc hay gặp về bệnh viêm ruột thừa.

1, Thế nào là đau ruột thừa?

1.1. Ruột thừa là gì?

Ruột thừa là một đoạn ruột thoái hóa của manh tràng. Ruột thừa có hình con giun, dạng túi, chiều dài từ 3 đến 13cm, trung bình khoảng 9 cm, đường kính trung bình từ 0.5 đến 1cm. Từ bờ trong của manh tràng, ruột thừa hướng xuất phát và hướng xuống dưới. Lòng ruột thừa thông với manh tràng bởi lỗ ruột thừa.

Gốc ruột thừa là đầu nối với manh tràng nên vị trí của nó phụ thuộc vào manh tràng. Thông thường manh tràng ở vị trí hố chậu phải, nên gốc ruột thừa cũng nằm ở hố chậu phả.. Khi chiếu lên thành bụng, gốc ruột thừa tương ứng với điểm đau Mac Burney. được xác định là điểm ở 1/3 ngoài và 2/3 trong của đường từ rốn đến gai chậu trước trên.

Vì chiều dài từ 3 đến 13 cm, nên đầu ruột thừa có thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau xoay quanh manh tràng, hồi tràng như dưới manh tràng, sau manh tràng, sau hồi tràng. Do vị trí các mốc ruột thừa như trên nên người ta coi ruột thừa nằm ở vùng hố chậu phải.

Ruột thừa có cấu tạo mô học tương tự ruột già, tuy nhiên hệ thống bạch huyết trong lòng ruột thừa nhiều và rất phát triển. Do đó ruột thừa có vai trò quan trọng trong vấn đề miễn dịch của cơ thể.

1.2. Nguyên nhân gây đau ruột thừa

Đau ruột thừa là tình trạng đau do tình trạng viêm ruột thừa gây ra. Đây là một cấp cứu ngoại khoa bụng thường gặp. Tình trạng viêm đau ruột thừa xảy ra do có sự tắc nghẽn ở bên trong lòng ruột thừa. Nguyên nhân kể đến tắc nghẽn đó có thể là sỏi phân, phì đại các nang bạch huyết hay dị vật, khối u trong lòng ruột thừa. Khi lòng ruột bị tắc nghẽn lâu ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm, nhiễm trùng. Từ đó gây ra hậu quả là viêm ruột thừa và dẫn đến đau ruột thừa vùng hố chậu phải.

Đau ruột thừa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất là những người trong khoảng từ 20 đến 30 tuổi. Những người này biểu hiện đau ruột thừa thường rõ ràng, diễn biến nhanh, dễ phát hiện.

2, Vị trí, triệu chứng của đau ruột thừa

Vị trí đau ruột thừa/viêm ruột thừa
Vị trí đau ruột thừa/viêm ruột thừa
  • Đau hay viêm ruột thừa là bệnh của hệ thống tiêu hóa, vì vậy các triệu chứng của bệnh tiêu hóa sẽ nổi bật hơn cả. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau bụng, rối loạn tiêu hóa và chán ăn.
  • Trong hầu hết các trường hợp thì chán ăn là triệu chứng xuất hiện đầu tiên. Triệu chứng này gặp trong 95% các ca bị viêm ruột thừa. Đây cũng là tình trạng thường gặp trong các bệnh về đường tiêu hóa, nên không phải là triệu chứng làm người bệnh chú ý quá nhiều.
  • Sau đó bệnh nhân sẽ bắt đầu cảm thấy đau bụng. Ban đầu đau âm ỉ, mơ hồ ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn, mức độ đau tăng dần lên. Sau khoảng 4 đến 6 giờ đau khu trú tại hố chậu phải. Cảm giác đau âm ỉ, liên tục, đôi lúc có cơn đau quặn lên. Khi bệnh nhân ho hoặc đi lại sẽ gây tăng cảm giác đau. Ở một số bệnh nhân, cơn đau sẽ xuất hiện luôn ở vùng hố chậu phải và đau không lan ra xung quanh. Đau bụng là triệu chứng khiến bệnh nhân phải đi khám.
  • Khoảng 75% bệnh nhân đau ruột thừa sẽ xuất hiện nôn sau biểu hiện đau hoặc cùng lúc với đau bụng. Bệnh nhân thường chỉ nôn 1 đến 2 lần, số lượng chất nôn không nhiều. Ngoài ra ở người lớn còn có thể gặp táo bón, bí trung đại tiện.
  • Trong viêm ruột thừa bệnh nhân còn có thể có sốt. Thông thường chỉ sốt từ 38 đến 38.5 độ C, nhưng nếu bệnh nhân có biến chứng viêm ruột thừa thì nhiệt độ có thể lên đến 39 độ C và đi kèm với rét run, ớn lạnh.
  • Bên cạnh những triệu chứng đặc trưng hay gặp kể trên thì cũng có một số trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu bệnh rất mờ nhạt, thường hay bỏ qua và chẩn đoán sai bệnh. Do đó khi thăm khám bất cứ một bệnh nhân nào chúng ta cũng nên kiểm tra kỹ và không bỏ sót các triệu chứng chứngcho dù là nhẹ hay rõ ràng.

3, Chẩn đoán viêm ruột thừa như thế nào?

Để chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa cần phải đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm. Khi thăm khám bạn sẽ được yêu cầu nằm ngửa, co 2 chân lên và bộc lộ vùng bụng. Các bác sĩ sẽ quan sát vùng bụng và ấn tìm các điểm đau đặc trưng của đau ruột thừa, sờ xem bụng có đầy hay chướng hơi không, kiểm tra phản ứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc… Ngoài ra bạn cũng sẽ được cho đi siêu âm ổ bụng, làm xét nghiệm máu. Trong những trường hợp không chắc chắn các bác sĩ có thể chỉ định thêm CT ổ bụng hoặc các xét nghiệm khác.

Bạn sẽ được chẩn đoán xác định bị viêm ruột thừa khi có các biểu hiện sau:

  • Có triệu chứng cơ năng: Đau bụng vùng thượng vị quanh rốn, sau đó khu trú tại hố chậu phải; sốt nhẹ khoảng 38 đến 38.5 độ C.
  • Có triệu chứng khi thăm khám: có điểm đau M.ac Burney, có phản ứng thành bụng hoặc cảm ứng phúc mạc ở hố chậu phải
  • Siêu âm có hình ảnh đường kính trước sau của ruột thừa trên 7 mm, hoặc thấy sỏi phân trong lòng ruột thừa.
  • Xét nghiệm máu có chỉ số bạch cầu tăng cao, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính.

Ngoài ra cũng cần chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa với một số bệnh khác của hệ thống tiêu hóa như: thủng dạ dày, tá tràng (biểu hiện đau dữ dội, đột ngột, đau như bị dao đâm), viêm manh tràng, khối u manh tràng bị nhiễm trùng hoặc dọa vỡ, viêm hạch mạc treo, sỏi niệu quản…

Ở phụ nữ cần phân biệt với bệnh lý ở phần phụ như nang buồng trứng phải xoắn, viêm phần phụ, thai ngoài tử cung ở vòi bên phải…

4, Biến chứng của đau ruột thừa

Hình ảnh ruột thừa bị viêm
Hình ảnh ruột thừa bị viêm

Đau ruột thừa là một bệnh có tiến triển khá nhanh, nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời khi chưa có biến chứng thì bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục và không để lại di chứng gì nguy hiểm.

Nếu đau ruột thừa mà bệnh nhân được phát hiện muộn thì sẽ có thể diễn biến thành các biến chứng viêm ruột thừa. Khi ấy tình trạng toàn thân của bệnh nhân sẽ nặng nề và nguy hiểm hơn. Các biến chứng của viêm ruột thừa có thể kể đến như:

  • Viêm phúc mạc ruột thừa: Đây là một biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa cấp. Tình trạng viêm không chỉ khu trú ở ruột thừa mà đã lan ra khắp toàn bộ phúc mạc ở vùng bụng. Nguyên nhân là do ruột thừa viêm đã vỡ, vi khuẩn từ lòng ruột thừa đã được giải phóng vào khoang phúc mạc, gây nên tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc tại ổ bụng cũng như toàn thân. Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn, có cảm ứng phúc mạc, bạch cầu tăng cao. Biến chứng này hay gặp ở những đối tượng là người lớn tuổi, do hệ thống miễn dịch của cơ thể đã suy yếu, biểu hiện bệnh ban đầu không rầm rộ nên không được phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Đám quánh ruột thừa: Đây là một biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân có sức khỏe tốt, là tình trạng các quai ruột, các mạc nối bị bao quanh, viêm dính với tổ chức ruột thừa đang bị viêm. Chúng tạo thành một khối dính với nhau, làm giới hạn quá trình viêm, khi khám sẽ thấy một mảng cứng, không rõ ranh giới. Biểu hiện là bệnh nhân có bị đau hố chậu phải, dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc giảm. Đám quánh ruột thừa có thể tan dần hoặc tiến triển thành áp xe ruột thừa. Đây cũng là trường hợp duy nhất trong viêm ruột thừa mà bệnh nhân không cần phải mổ cấp cứu, có thể xem xét điều trị nội khoa.
  • Áp xe ruột thừa: Khi ruột thừa viêm cấp và bị vỡ, các quai ruột và mạc nối bao bọc khu trú quá trình viêm, ngăn không lan vào ổ bụng. Bệnh nhân vẫn biểu hiện đau hố chậu phải và sốt, khi sờ thấy một khối không di động, mặt nhẵn, ấn đau. Áp xe ruột thừa nếu không được điều trị có khả năng vỡ và sẽ gây viêm phúc mạc ổ bụng.

5, Điều trị viêm ruột thừa

Đa phần các trường hợp bệnh nhân viêm ruột thừa đến bệnh viện trong trường hợp viêm cấp tính và ở giai đoạn đầu của quá trình viêm. Nên trong những tình huống này bệnh nhân thường được chỉ định mổ cắt ruột thừa viêm càng sớm càng tốt để tránh biến chứng của viêm ruột thừa sẽ nguy hiểm hơn cho bệnh nhân.

  • Có 2 phương pháp mổ cắt ruột thừa là mổ mở cổ điển và mổ nội soi. Hiện nay hầu như người ta không còn sử dụng phương pháp mổ mở mà chủ yếu mổ nội soi vì những ưu điểm và thuận tiện của nó. Mổ nội soi sẽ ít gây tổn thương đến người bệnh, ít đau hơn, sẹo nhỏ hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng so với mổ mở và giúp phẫu thuật viên quan sát được trực tiếp các cơ quan trong ổ bụng.
  • Trước khi tiến hành mổ thì bệnh nhân sẽ được hồi sức trước mổ bằng một số thuốc như như bù dịch, điện giải, kháng sinh dự phòng…  Và sau mổ bệnh nhân vẫn được tiếp tục bồi phụ nước, điện giải và kháng sinh để phòng nhiễm trùng.
  • Với những bệnh nhân bị viêm phúc mạc ruột thừa, ruột thừa bị vỡ thì sau mổ bệnh nhân sẽ được đặt dẫn lưu ổ bụng vùng, mục đích để theo dõi dịch ổ bụng, sau vài ngày khi ổn định thì sẽ rút dẫn lưu.
  • Trường hợp bệnh nhân bị áp xe ruột thừa sẽ được tiến hành phẫu thuật đặt dẫn lưu ổ áp xe và có thể cắt trong trường hợp không quá phức tạp. Với những trường hợp khó sẽ điều trị nội khoa để giảm viêm, bệnh nhân sẽ được cắt ruột thừa sau 6 tuần.
  • Đám quánh ruột thừa: trường hợp này không có chỉ định cấp cứu, bệnh nhân sẽ được điều trị kháng sinh để bệnh nhân ổn định trước và sau đó mới tiến hành cắt ruột thừa sau.

6, Tiên lượng bệnh nhân sau mổ viêm ruột thừa

Tiên lượng bệnh nhân sau mổ viêm ruột thừa
Tiên lượng bệnh nhân sau mổ viêm ruột thừa

Đối với những bệnh nhân đến sớm và được phẫu thuật nội soi kịp thời thì thời gian hồi phục nhanh. Chỉ cần từ 2 đến 4 ngày sau mổ, sức khỏe bệnh nhân gân như đã ổn định và có thể trở lại làm việc bình thường. Trong thời gian hậu phẫu bệnh nhân có thể cảm thấy đau ở vùng phẫu thuật. Đây là các trường hợp tiên lượng tốt.

Với những bệnh nhân đến muộn đã có biến chứng của viêm ruột thừa, hoặc bệnh nhân cao tuổi thì nguy cơ gặp biến chứng sau phẫu thuật cao hơn và thời gian phục hơi cũng lâu hơn. Nên cần theo dõi và chăm sóc bệnh nhân cẩn thận để phát hiện sớm các biến chứng như:

Biến chứng sớm sau mổ:

  • Chảy máu: Chảy máu vết mổ hoặc nguy hiểm hơn là chảy máu trong ổ bụng. Nguyên nhân có thể do khâu bỏ sót hoặc chỉ thắt động mạch ruột thừa bị tuột.
  • Viêm phúc mạc: do trong lúc mổ không kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, hoặc không lấy hết mủ,…
  • Áp xe tồn lưu: do khi mổ không lau rửa sạch ổ bụng.
  • Rò manh tràng: nguyên nhân là do bục chỉ khâu gốc ruột thừa.
  • Nhiễm trùng vết mổ: biến chứng hay gặp nhất, khiến bệnh nhân lâu lành vết thương và có thể dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng nếu không được điều trị thời.

Biến chứng muộn

Biến chứng muộn hay nguy hiểm nhất là tắc ruột. Nguyên nhân là các quai ruột non dính vào nhau, hoặc các dây chằng chẹn lấy quai ruột hoặc do tác dụng phụ của phương pháp gây mê.

7, Cách chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật viêm ruột thừa

7.1. Chế độ chăm sóc sau phẫu thuật đau ruột thừa

Sau khi kết thúc phẫu thuật bệnh nhân sẽ được theo dõi trong phòng hồi sức 24 tiếng. Trong thời gian này các bác sĩ sẽ theo dõi chỉ số sinh tồn của bệnh nhân như nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, nhịp tim để đảm bảo bệnh nhân không bị biến chứng do gây mê. Đồng thời sẽ theo dõi tình trạng vết mổ, dẫn lưu dịch ổ bụng nếu có, xem màu sắc, số lượng dịch. Sau khi bệnh nhân thoát mê và hết thời gian theo dõi sẽ được chuyển về phòng bệnh để người nhà chăm sóc

Trong 1 đến 2 ngày đầu sau mổ, bệnh nhân sẽ còn mệt và đau nhiều tại vị trí mổ. Người chăm sóc cần nhẹ nhàng, không cần thay đổi tư thế nằm của bệnh nhân quá nhiều nếu bệnh nhân đang có dẫn lưu.

Chú ý theo dõi tình trạng của băng vết mổ. Nếu vết mổ khô và lành tốt thì băng vết thương khô và sẽ được các điều dưỡng thay 2 ngày một lần. Nhưng nếu thấy băng vết mổ bị thấm ướt màu đỏ hoặc vàng, số lượng nhiều hoặc ít, có mùi khó chịu thì cần báo lại ngay cho bác sĩ.

Sau mổ bệnh nhân sẽ được nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch trong 1 đến 2 ngày đầu. Đặc biệt bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn đến khi xì hơi được sau mổ. Nếu bệnh nhân chưa xì hơi được mà cảm thấy khát nước thì chỉ nên cho bệnh nhân nhấp chút nước đủ để hết khô miệng. Khi bệnh nhân đã xì hơi được thì có thể bắt đầu cho bệnh nhân ăn. Đầu tiên là ăn thức ăn lỏng như sữa hoặc cháo loãng, sau đó cho đặc dần lên.

7.2. Chế độ ăn cho bệnh nhân sau mổ đau ruột thừa

Sau mổ ruột thừa, hệ tiêu hóa của bạn còn yếu, vì vậy ban đầu cần bổ sung những thực phẩm dễ tiêu hóa như súp, cháo, cơm nhão,… Những thực phẩm này sẽ giúp cho hệ tiêu hóa không cần hoạt động quá nhiều. Lưu ý khi chế biến cần cho ít gia vị để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Nhóm thực phẩm này dễ tiêu hóa nhưng giá trị dinh dưỡng không cao, chỉ nên ăn trong khoảng 1 đến 2 ngày đầu sau phẫu thuật.

Khi cảm thấy hệ tiêu hóa đã ổn định, không có dấu hiệu đau, hay buồn nôn, tiêu chảy thì có thể bổ sung thêm các nhóm thực phẩm khác. Cần cung cấp đa dạng các nhóm protein, đường, chất béo, vitamin và các chất khoáng. Có thể lựa chọn các thực phẩm như trứng, thịt đỏ xay nhuyễn, cá… là những thực phẩm lành tính mà đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ các nhóm chất sẽ giúp cho cơ thể nhanh hồi phục, vết thương mau lành.

Đừng quên bổ sung đầy đủ nước và chất xơ mỗi ngày. Nước và chất xơ sẽ khích thích nhu động ruột, giúp bạn đi đại tiện dễ dàng hơn mà không phải cố gắng rặn hay tác dụng lực lên thành bụng. Uống nhiều nước còn giúp làm mềm phân, để ruột được hoạt động dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, sau mổ ruột thừa cần hạn chế thức ăn dầu mỡ, nhiều chất béo. Vì khi chúng ta ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, hệ tiêu hóa sẽ phải hoạt động nhiều, khi hoạt động quá sức có thể dẫn đến đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Cũng cần hạn chế các sản phẩm giàu chất kích thích như bia rượu, nước có gas,… hạn chế ăn các sản phẩm lên men như dưa muối, cà muối… Những thực phẩm này có chứa nhiều axit và các vi sinh sống, sẽ tạo áp lực cho hệ tiêu hóa.

8, Viêm ruột thừa có nguy hiểm không? Khi nào thì cần đến gặp bác sĩ?

Viêm ruột thừa có nguy hiểm không?
Viêm ruột thừa có nguy hiểm không?

Đau ruột thừa là một hay gặp trong số các bệnh ngoại khoa về tiêu hóa. Ở người trẻ, nếu được phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời trước 6 giờ thì viêm ruột thừa sẽ được điều trị dứt điểm và không để lại di chứng hay nguy hiểm gì. Còn ở người già, do đặc điểm hệ miễn dịch suy yếu nên biểu hiện bệnh thường âm ỉ kéo dài. Khi phát hiện thường trong tình trạng ruột thừa viêm đã vỡ gây ra biến chứng viêm phúc mạc. Nguy cơ gặp biến chứng sau phẫu thuật và thời gian hồi phục sẽ lâu hơn.

Tuy nhiên, đau ruột thừa thường được điều trị bằng cách cắt đi đoạn ruột thừa viêm, cách này sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh. Khi ấy bệnh sẽ được điều trị tận gốc mà không lo bị tái phát. Ruột thừa cũng không tham gia vào bộ máy tiêu hóa, nên khi cắt ruột thừa bạn không cần phải lo lắng hoạt động tiêu hóa của mình sẽ bị ảnh hưởng về sau.

Bạn nên đến gặp bác sĩ khi cảm thấy trong người có những dấu hiệu như: cảm thấy ngai ngái sốt, đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn sau đó lan xuống hố chậu phải. Đau âm ỉ, liên tục, tăng dần. Đi kèm với đó là cảm thấy chán ăn, buồn nôn, bí trung đại tiện hoặc táo bón.

Lưu ý khi đau bụng không nên uống thuốc nhằm mục đích giảm đau, vì như vậy sẽ làm mất đi triệu chứng của viêm ruột thừa khiến bác sĩ phát hiện muộn hoặc chẩn đoán nhầm bệnh.

9, Một số câu hỏi thường gặp

9.1. Viêm ruột thừa ủ bệnh trong bao lâu?

Đau ruột thừa là triệu chứng nổi bật và luôn có của viêm ruột thừa. Thời gian đau của mỗi người là khác nhau, có thể kéo dài từ 1 đến 12 tiếng. Ban đầu là đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn, sau đó khu trú tại hố chậu phải. Cơn đau xuất hiện khá sớm, khi ruột thừa chớm viêm bệnh nhân đã cảm thấy đau. Trong vòng 24 giờ từ khi bắt đầu đau bụng, sẽ xuất hiện các triệu chứng khác của viêm ruột thừa.

Sau khi cơn đau xuất hiện khoảng 48 giờ, nếu không được điều trị kịp thời, ruột thừa bắt đầu có biến chứng vỡ, dẫn đến viêm phúc mạc. Khi ấy các biểu hiện nhiễm trùng, sốt, đau bụng sẽ rầm rộ hơn. Vì vậy cần đưa bệnh nhân đến viện sớm khi bắt đầu có biểu hiện đau bụng và nghi ngờ là đau ruột thừa.

9.2. Đau ruột thừa nhẹ có cần mổ không?

Trong đa số các case đau ruột thừa là do ruột thừa viêm cấp tính thì đều được chỉ định mổ cắt ruột thừa. Phương pháp này sẽ giúp điều trị dứt điểm bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh lần trong.

Tuy nhiên trong một số trường hợp như áp xe ruột thừa hay đám quánh ruột thừa thì sẽ được chỉ định điều trị nội khoa trước. Với áp xe ruột thừa, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh để ổn định và 6 tuần sau sẽ quay lại để tiến hành phẫu thuật cắt ruột thừa. Với đám quánh ruột thừa, bệnh nhân sẽ được theo dõi và điều trị bằng kháng sinh. Trong một số trường hợp đám quánh sẽ teo đi mà không cần phẫu thuật, có thể tính là bệnh nhân khỏi bệnh. Còn một số khác sẽ tiến triển thành áp xe hoặc viêm phúc mạc, khi ấy sẽ cần được can thiệp ngoại khoa.

Hiện nay có một số quan điểm sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân đau ruột thừa. Đối tượng của phương pháp này là những bệnh nhân cao tuổi, sức đề kháng yếu, không thích hợp để can thiệp phẫu thuật.

9.3. Ca mổ ruột thừa kéo dài trong bao lâu?

Tùy theo mức độ phức tạp của ca mổ và vị trí của ruột thừa mà thời gian mỗi case mổ sẽ khác nhau. Nếu case mổ không phức tạp, ruột thừa chưa có biến chứng thì thời gian phẫu thuật trung bình khoảng 1 giờ. Trong trường hợp case có biến chứng hoặc vị trí ruột thừa phức tạp thì thời gian sẽ kéo dài lâu hơn.

9.4. Đau ruột thừa nên ăn gì, kiêng gì?

Nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, vitamin để dự phòng đau ruột thừa
Nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, vitamin để dự phòng đau ruột thừa

Để dự phòng viêm ruột thừa thì bạn nên có một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ các nhóm thực phẩm dinh dưỡng, chất xơ và nước. Chất xơ và nước sẽ giúp hệ tiêu hóa của bạn hoạt động dễ dàng hơn, giúp cho phân mềm, không bị sỏi phân, táo bón. Cũng đừng quên bổ sung các vitamin và chất khoáng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Bệnh nhân sau phẫu thuật viêm ruột thừa cũng cần bổ sung các thực phẩm nhiều dưỡng chất, nhiều chất xơ và vitamin. Để giúp cơ thể nhanh hồi phục và lành vết thương. Có thể bổ sung các thực phẩm từ trứng, thịt đỏ, cá, hải sản.. là những thực phẩm chứa nhiều protein gần gũi với cơ thể, giúp cơ thể nhanh tổng hợp được protein cần thiết.

Lưu ý những bệnh nhân hậu phẫu cần tránh sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo có nguồn gốc từ động vật như đồ chiên rán, gà rán…Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, kem, nước ngọt, … Vì hấp thu nhiều đường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra cũng cần tránh ăn các thực phẩm lên men tự nhiên như cà muối, dưa muối… và chất kích thích như rượu bia, cà phê.

Trên đây là một số thông tin về bệnh đau ruột thừa (viêm ruột thừa), hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Bệnh ruột thừa rất dễ phát hiện và không hề nguy hiểm nếu chúng ta hiểu hơn về nó. Do vậy các bạn cần theo dõi sức khỏe của mình cẩn thận hơn. Xin cảm ơn!

Xem thêm:

U nang buồng trứng là gì? Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *