U nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Bệnh không những gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người phụ nữ mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của chị em. Vậy bệnh u nang buồng trứng là do đâu, bệnh biểu hiện như thế nào, cách điều trị ra sao,… mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
1, U nang buồng trứng là gì?
Định nghĩa: U nang buồng trứng là một loại khối u buồng trứng. Khối u này được đặc trưng bởi một lớp vỏ mỏng, bên trong chứa đầy dịch. Dịch bên trong có thể chỉ là dịch đơn thần nhưng cũng có thể là dịch phối hợp thêm nhiều thành phần khác.
U nang buồng trứng là một bệnh lý lành tính ở buồng trứng một hoặc cả 2 bên. Kích thước các khối u nặng cũng tương đối nhỏ, chỉ từ vài mm cho đến vài cm. U nang buồng trứng là một bệnh lý ở phụ nữ có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên bệnh gặp phổ biến hơn ở những người trong độ tuổi 30 đến 45 tuổi. Đây được coi là độ tuổi sinh sản muộn của chị em.
Bệnh u nang buồng trứng không hề khó khăn trong việc chẩn đoán. Nhưng các triệu chứng của bệnh lại đa dạng, tiến triển theo nhiều hướng phức tạp nên đôi khi việc điều trị cũng như tiên lượng bệnh còn nhiều khó khăn và nhầm lẫn.
2, Phân loại u nang buồng trứng
Người ta phân u nang buồng trứng thành hai nhóm lớn là u nang cơ năng và u nang thực thể. Trong mỗi nhóm lại có các loại khác nhau. Cụ thể như sau:
U nang cơ năng:
Đây là loại u nang có ảnh hưởng, gây tổn thương tới chức năng của buồng trứng bên có khối u nhưng về mặt giải phẫu thì lại không ghi nhận thấy tổn thương nào. Kích thước các khối u cơ năng cũng tương đối nhỏ. Thông thường đường kính của khối u chỉ khoảng dưới 6 cm. Nếu có xuất hiện khối u cơ năng kích thước lớn hơn thì những khối u đó cũng sẽ tiến triển nhanh và biến mất nhanh hơn. Các khối u cơ năng cũng không tồn tại quá lâu, có thể chỉ sau vài chu kỳ kinh nguyệt thì các khối u nặng đó sẽ mất đi không để lại dấu vết.U nang cơ năng được chia thành ba loại như sau:
- U nang bọc noãn: Đây là các khối u được hình thành từ các nang degraff khi các nang này không vỡ vào ngày quy định như bình thường. Khi các nang degraff không vỡ, chúng sẽ tiếp tục tiết ra estrogen để hoạt động chức năng. Các khối u nang bọc noãn thường có kích thước nhỏ và rất dễ bị thay đổi. Quan sát thấy dịch chứa bên trong u nang có màu vàng nhạt hoặc hơi đục, định lượng hay xét nghiệm thấy thành phần của dịch có chứa nhiều estrogen.
- U nang hoàng tuyến: Loại u nang buồng trứng này thường gặp nhiều ở những bệnh nhân chửa trứng hay bệnh chorio. Nguyên nhân chính là do quá trình tăng nồng độ HCG ở những bệnh nhân này kích thích gây nên u nang hoàng tuyến. Đôi khi u nang hoàng tuyến lại có thể gặp ở những chị em đang điều trị vô sinh hiếm muộn bằng các loại hormon sinh dục trực thuộc tuyến yên với liều cao. Đối với những trường hợp này, chỉ cần điều trị khỏi bệnh thì các khối u nang hoàng tuyến sẽ tự biến mất.
- U nang hoàng thể: U nang hoàng thể được sinh ra từ các nang hoàng thể. Loại u nang hoàng thể chỉ xuất hiện và tồn tại trong khi chị em mang thai, đặc biệt là trường hợp mang đa thai. Khi đó u nang hoàng tuyến sẽ bài tiết và bài xuất một lượng nhiều cả 2 loại hormone là estrogen và progesteron.
U nang thực thể:
Đây là các loại u nang buồng trứng có biểu hiện tổn thương thực thể về mặt giải phẫu ở buồng trứng chứa khối u. Khối u sẽ tiến triển rất chậm so với khối u cơ năng và hơn nữa, u nang thực thể không mất đi, sẽ tồn tại mãi mãi. U nang thực thể đa số là khối u lành tính, kích thước tương đối lớn và có lớp vỏ bọc nang dày. Có 3 loại u nang thực thể như sau:
- U nang bì: Đây là một loại u nang buồng trứng gặp nhiều ở những chị em phụ nữ còn trẻ. Khối u thường có kích thước nhỏ, phần cuống lại khá dài. Bên trong của khối u chứa nhiều thành phần khác nhau bao gồm tuyến bã, rụng, tóc, dịch bã đậu,… đó chính là các tổ chức có nguồn gốc từ bào thai.
- U nang nước: Đây cũng là một loại u gặp nhiều ở người trẻ, khối u kích thước không lớn, cuống u tương đối dài, lớp vỏ bao bọc khối u mỏng. Các u nang nước thường chỉ tồn tại một túi với tính chất là tròn và ít dính. Bên trong khối u có chứa dịch màu trong hoặc màu vàng sáng.
- U nang nhầy: Đây là loại u nang buồng trứng lớn nhất trong tất cả các loại u. Trường hợp đặc biệt khối u có thể nặng lên tới 30 đến 50kg, bao gồm rất nhiều túi hợp lại với nhau. Vì có kích thước quá lớn nên u nang nhầy thường có xu hướng dính với các cơ quan bộ phận lân cận làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan đó. Phía trong nang có thể chứa dịch nhầy hoặc dịch đặc, màu vàng hoặc đôi khi nhả sang màu nâu.
3, U nang buồng trứng biểu hiện như thế nào?
Tùy vào từng bệnh nhân sẽ có những biểu hiện đặc hiệu khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng lâm sàng chung hay gặp mà các bạn có thể nhận biết được:
Triệu chứng cơ năng:
- Đối với các khối u nang kích thước nhỏ: Các triệu chứng thường ít và không đặc hiệu. Khối u có thể tồn tại và phát triển trong nhiều năm mà không ảnh hưởng gì tới bệnh nhân, bệnh nhân vẫn hoạt động và sinh hoạt bình thường mà không biết đến sự tồn tại của khối u. Do đó khối u thường chỉ được phát hiện nếu chị em đi khám sức khỏe sinh sản hay khám các bệnh lý phụ khoa. Trường hợp này có thể phát hiện dễ dàng qua siêu âm.
- Đối với các khối u nang có kích thước lớn: Bệnh nhân có thể có cảm giác thường xuyên tức và cảm giác đè nặng vùng bụng dưới. Khối u lớn gây chèn ép và các cơ quan xung quanh gây nên các triệu chứng tại các cơ quan đó như: chèn ép vào trực tràng gây táo bón, chèn ép vào bàng quang gây bí đái, tiểu nhiều lần,…
Triệu chứng thực thể:
- Các khối u nang nhỏ sẽ không có triệu chứng thực thể.
- Các khối u nang to, bệnh nhân sẽ thấy vùng hạ vị hay bụng dưới của mình to dần, đôi khi còn nhầm lẫn là mang thai. Khi sờ kỹ có thể phát hiện được khối u dưới thành bụng, di động dễ, đôi khi ấn sẽ gây đau cho bệnh nhân.
- Khám âm đạo qua mỏ vịt sẽ thấy tử cung có kích thước nhỏ, vị trí bên cạnh tử cung có một khối tròn di động dễ dàng, khối u tách biệt chứ không dính vào tử cung.
- Trong các trường hợp đặc biệt, khối u là u nang nhầy hay khối u nang dịch trong vị trí dây chằng rộng thì sẽ khó di động hơn, có khi bị mắc kẹt sẽ không di động.
- Khi thăm khám các bác sĩ luôn phải thực hiện thật nhẹ nhàng vì đôi khi ấn mạnh sẽ làm cho các nang bị vỡ giải phóng dịch và các thành phần trong khối u vào ổ bụng của bệnh nhân gây biến chứng.
Để giúp các chị em nhận biết sớm bệnh u nang buồng trứng, chị em có thể dựa trên một số dấu hiệu sau:
- Kinh nguyệt bị rối loạn, có thể không đều, chậm kinh, vô kinh hoặc đau bụng kinh,…
- Đau vùng xương chậu tăng dần: Đau có thể kéo dài dai dẳng hoặc đôi khi lại chỉ đau từng đợt rồi hết. Đau có thể tại chỗ hoặc lan ra vùng sau lưng và đùi. Đau có thể tăng lên khi đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc không.
- Đau vùng chậu: Triệu chứng này thường gặp phải khi quan hệ tình dục. Một số chị em có thể bị đau tức hoặc khó chịu ở vùng bụng sau khi quan hệ. Đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến chị em phải đến gặp bác sĩ và phát hiện bệnh u nang buồng trứng sớm.
- Đau bụng mỗi khi đi vệ sinh do phải rặn và làm cho khối u gây chèn ép mạnh hơn vào vùng xung quanh.
- Bụng sưng, to, thường xuyên thấy nặng bụng.
- Đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt tiểu rắt, đôi khi bị bí tiểu nếu chèn ép quá nhiều.
- Có sự mất cân bằng các loại nội tiết tố làm cho ngực to, căng tức, đôi khi lại teo nhỏ mà không xác định được nguyên nhân.
- Một số triệu chứng khác như sốt, ngất hoặc chóng mặt, thở nhanh mạnh.
Những triệu chứng kể trên có thể là dấu hiệu cảnh báo một u nang đã bị vỡ hoặc buồng trứng bị xoắn. Khi đó chị em nên được khám, chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Triệu chứng cận lâm sàng
Khi nghi ngờ bệnh nhân bị u nang buồng trứng, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân là một số các xét nghiệm và có thể có kết quả như sau:
- Phản ứng để tìm HCG cho kết quả âm tính.
- Siêu âm: phát hiện được vị trí, hình dạng và kích thước khối u, ranh giới khối u thường rất rõ ràng.
- Nội soi qua ổ bụng được chỉ định trong các trường hợp phát hiện khối u nhỏ, cần chẩn đoán phân biệt với thai ngoài tử cung.
- Chụp phim X quang ổ bụng không chuẩn bị có thể phát hiện được khối u là một hình ảnh cản quang rõ.
- Chụp tử cung- vòi tử cung kết hợp với thuốc cản quang có thể phát hiện thấy tử cung lệch sang một bên đối diện với bên có khối u. Vòi tử cung bên có khối u nặng đôi khi bị xoắn vặn xung quanh tử cung.
4, Cần phân biệt u nang buồng trứng với những bệnh lý nào?
Việc chẩn đoán bệnh u nang buồng trứng không quá phức tạp thông qua các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Nhưng đôi khi chúng ta cũng phải chú ý phân biệt với một số bệnh lý liên quan khác như:
- Triệu chứng có thai: Khi có thai chị em sẽ có thêm các dấu hiệu như tắt kinh, tử cung to dần tương ứng với tuổi thai, test HCG lấy kết quả dương tính.
- Tình trạng ứ dịch tai vòi tử cung: Bệnh nhân thường số tiền sử viêm nhiễm trước đó. Viêm có thể xảy ra một hoặc 2 bên vòi tử cung.
- Thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang: Có các triệu chứng tắt kinh, rong kinh rong huyết, khám thấy có khối bên cạnh tử cung ấn rất đau tức.
- U xơ tử cung loại có cuống: Để phân biệt 2 bệnh này với nhau thì phải chụp tử cung với thuốc cản quang. Khi đó, nếu là u xơ tử cung có cuống thì không thấy có tình trạng viêm nhiễm vòi tử cung.
- Cổ chướng: Khi bị cổ chướng, gõ bụng sẽ thấy tiếng đục, cảm giác có dịch trong ổ bụng và cũng không phát hiện thấy khối u.
- Lách to: Thường dựa vào tiền sử bệnh nhân có các bệnh về máu hay từng bị sốt rét. Khi khám có thể phát hiện thấy có khối ở vị trí cao.
- Bệnh thận đa nang hay u vị trí mạc treo ruột: Khối u thường ở vị trí cao hẳn lên phía trên, không gần khu vực tử cung buồng trứng.
5, Bệnh u nang buồng trứng có nguy hiểm không?
U nang buồng trứng là một bệnh lý lành tính tại buồng trứng. Nếu được phát hiện và điều trị sớm thì đa số các trường hợp đều tiến triển tốt và bệnh nhân có thể khỏi bệnh mà không có ảnh hưởng gì. Nhưng mặt khác, nếu chủ quan và không điều trị khối u đúng cách, bệnh có thể diễn biến nhanh và gây nên một số biến chứng như sau:
Xoắn khối u nang: Đây là một loại biến chứng hay gặp nhất của bệnh u nang buồng trứng. Thường gặp trong các trường hợp khối u đường kính trung bình trở lên, cuống dài. Khi đó khối u dễ bị xoắn theo áp lực. Khi xoắn khối u có thể xoắn theo hai cách như sau:
- Xoắn đột ngột cấp tính, bệnh nhân tự nhiên cảm thấy đau bụng dữ dội, nhiều trường hợp bệnh nhân đau đến mức ngất xỉu. Khám thấy chỉ số huyết áp và mạch của bệnh nhân đa số còn ổn định, khi thăm khám bác sĩ ấn vào vùng khối u thấy bệnh nhân rất đau, khối u khó di động. Kèm theo bệnh nhân có thể buồn nôn, nôn,…
- Xoắn bán cấp, bệnh nhân đau âm ỉ vùng bụng dưới, giảm hoặchết đau khi bệnh nhân tìm được tư thế phù hợp do khi đó khối u có thể tự tháo xoắn. Xoắn bán cấp có thể tái đi tái lại nhiều lần cho đến khi được can thiệp triệt để.
Chảy máu trong nang: Đây là một trong số những hậu quả mà tình trạng buồng trứng bị xoắn gây ra. Do đường lưu thông bị xoắn gây cản trở nên máu sẽ bị ứ đọng lại, dễ gây nên tình trạng vỡ mạch máu gây chảy máu.
Vỡ khối u nang: Do khối u bị xoắn sẽ gây ứ đọng nhiều dịch và máu tại nang làm cho nang tăng dần về kích thước, đến một thời điểm nào đó sẽ bị vỡ ra. Đặc biệt là khi bị sang chấn, tai nạn hay thăm khám quá thô bạo thì nguy cơ vỡ u nang sẽ tăng lên. Vỡ u nang có thể làm cho máu chảy ồ ạt vào bên trong ổ bụng gây mất máu cấp.
Viêm nhiễm: Bbiến chứng này xảy ra trong trường hợp u nang to và dính vào các cơ quan xung quanh trong ổ bụng gây nên viêm nhiễm khu trú tại vùng đó.
Chèn ép các tạng xung quanh: Do khối u to gây nên các hiện tượng bán tắc ruột hay tắc ruột, khó khăn khi đi đại tiểu tiện.
U thư buồng trứng: thường là biến chứng của các loại u nang thực thể, hay gặp phổ biến nhất là sau khi bị u nang nước. Khi đó khối u sẽ to rất nhanh, xâm lấn gây tổn thương các tạng xung quanh. Bệnh nhân gầy sút nhanh và thể trạng yếu dần.
U nang buồng trứng liên quan đến thai nghén: khi đang mang thai kèm theo u nang buồng trứng, bệnh nhân có thể bị sảy thai, đẻ non, ngôi thai bất thường, u nang bị xoắn sau khi bệnh nhân rặn đẻ.
6, Điều trị u nang buồng trứng như thế nào?
Việc lựa chọn và đưa ra các phương pháp điều trị bệnh phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hồi phục của bệnh nhân. Việc lựa chọn cách điều trị sẽ được các bác sĩ lâm sàng dựa trên các yếu tố thực tiễn như: độ tuổi của bệnh nhân, kích cỡ khối u, hình dạng nang, các biểu hiện bệnh nổi bật.
Sau đây là một số cách điều trị u nang buồng trứng được lựa chọn nhiều nhất:
Để cho khối u nang tự tiêu:
Cách này thường áp dụng với trường hợp những khối u nang buồng trứng lành tính có kích thước tương đối nhỏ. Khi đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ quan sát, thăm khám và kiểm tra bằng việc siêu âm để xem liệu khối u đó có thể tự tiêu hay không. Thông thường việc kiểm tra này cần được theo dõi khoảng một tháng hoặc lâu hơn.
Điều trị bằng các loại thuốc tránh thai:
Để hạn chế nguy cơ các khối u nang mới có thể tái phát trong các chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo của bệnh nhân, các bác sĩ thường chỉ định kê các loại thuốc tránh thai cho bệnh nhân sử dụng thử. Thuốc tránh thai có thể mang lại tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Phẫu thuật điều trị triệt để:
Trường hợp bệnh nhân buộc phải phẫu thuật là khi bệnh bắt đầu có các biến chứng nguy hiểm, khi khối u nang có kích thước trung bình đến lớn, u nang tồn tại kéo dài trong 2 đến 3 chu kỳ kinh nguyệt mà chưa mất đi. Hiện nay có 2 hình thức phẫu thuật chính để điều trị bệnh u nang buồng trứng như sau:
- Phẫu thuật nội soi: Trong mổ nội soi, các bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ phẫu thuật nội soi qua một vài vết rạch rất nhỏ qua thành bụng để qua đó có thể xác định vị trí của khôi u nang. Sau đó họ sẽ tiến hành xác định và cắt bỏ hoàn toàn khối u, có thể qua đó tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm ở khối u để sinh thiết xem có nguy cơ ung thư hóa hay không. Phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng sẽ đem lại hiệu quả và khả năng phục hồi nhanh hơn các trường hợp phẫu thuật mở ổ bụng. Chỉ cần một thời gian ngắn sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh có thể trở lại như lúc bình thường và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân, thời gian phục hồi nhanh.
- Phẫu thuật mổ mở u nang buồng trứng qua thành bụng: Phương pháp này thường chỉ áp dụng khi có sự nghi ngờ u nang bị ung thư hóa. Khi đó các bác sĩ sẽ rạch một vết rạch dài trên thành bụng, qua đó tiến hành cắt bỏ khối u nang buồng trứng và đem đi sinh thiết. Sau khi sử dụng phương pháp mổ mở, sức khỏe người bệnh có thể phục hồi sau khoảng 1 tuần.
- Trong trường hợp sau khi sinh thiết có thể xác định u nang là ung thư. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu phải cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng hay cả tử cung để đảm bảo kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
7, Chi phí mổ u nang buồng trứng
Hiện nay có rất nhiều cơ sở có khả năng thực hiện kỹ thuật mổ u nang buồng trứng. Tùy theo từng cơ sở, trang thiết bị cũng như đội ngũ y bác sĩ mà sẽ có những mức giá khác nhau. Nhưng nhìn chung chi phí mổ u nang buồng trứng không qá cao, giá dao động khoảng 7 cho đến 15 triệu đồng. Hiện nay các quỹ bảo hiểm y tế cũng triển khai áp dụng cho trường hợp mổ u nang buồng trứng, do đó nếu các bạn có bảo hiểm y tế và được chấp nhận thì mức chi phí sẽ giảm đi rất nhiều.
8, Các lưu ý khi phẫu thuật cắt bỏ khối u nang
- Trong trường hợp khối u nang bị dính thì phải tiến hành cắt bỏ một cách cẩn thận vì có thể gây tổn thương đến các tạng lân cận.
- Trong trường hợp khối u nang buồng trứng bị xoắn thì phải kẹp vòi trứng và cắt trước khi gỡ xoắn.
- Nếu khối u nang buồng trứng quá to thì nên hút bớt dịch và dùng gạc vô khuẩn lau rửa sạch, tránh để dịch của khối u chảy vào bên trong ổ bụng của bệnh nhân.
9, Một số câu hỏi thường gặp
9.1. Phòng bệnh u nang buồng trứng như thế nào?
Bệnh u nang buồng trứng là một bệnh lý không có biện pháp phòng tránh đặc hiệu. Để hạn chế tối đa biến chứng của bệnh, chỉ có cách là bệnh nhân theo dõi sát tình trạng của mình và đi khám sớm nếu có dấu hiệu bất thường mà thôi, các chị em hãy để ý các triệu chứng như:
- Rối loạn kinh nguyệt
- Đau vùng chậu
- Ăn không ngon
- Giảm cân đột ngột
- Bụng căng đầy
9.2. U nang buồng trứng kiêng ăn gì?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì những bệnh nhân bị u nang buồng trứng nên tránh một số loại thực phẩm như:
- Các loại thịt chứa quá nhiều chất béo, cholesterol vì sẽ gây nguy cơ bị ung thư hóa.
- Các loại thực phẩm nhiều đường, quá ngọt
- Các loại đồ ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, đồ đóng hộp, đồ chiên xào,…
- Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, các loại đồ uống có cồn, có gas,…
- Các loại ngũ cốc tinh chế
9.3. U nang buồng trứng có thai được không?
Trong một số trường hợp bệnh nhân bị u nang buồng trứng vẫn có thể mang thai như:
- Bệnh nhân bị u nang loại cơ năng: Phần lớn các loại u cơ năng đều có thể tự tiêu, khi phát hiện có u nang các bạn chỉ cần theo dõi định kỳ là có thể kiểm soát được khối u. Trường hợp này bệnh nhân vẫn có thể mang thai như bình thường mà không gặp phải khó khăn nào.
- Những bệnh nhân bị u nang nhưng chỉ một bên: Người ta thấy rằng kể cả bệnh nhân đã mổ bóc u hoặc cắt 1 buồng trứng thì vẫn có khả năng mang thai bình thường.
- Bệnh nhân bị u nang buồng trứng cả 2 bên, đã mổ bóc u mà vẫn để lại buồng trứng nguyên vẹn không bị tổn thương.ư: Trong những trường hợp này, khả năng mang thai của chị em sẽ thấp hơn nhưng vẫn có khả năng mang thai được.
Một số trường hợp khác phức tạp hơn thì bệnh nhân không còn khả năng mang thai nữa. Những trường hợp đó có thể là bệnh nhân bị u nang buồng trứng cả 2 bên mà cả 2 buồng trứng đã bị tổn thương dạng nang hóa hoàn toàn và không còn phần buồng trứng lành để thực hiện chức năng sinh sản.Ttuy nhiên nếu muốn mang thai, chị em có thể tham khảo công nghệ mới hiện đại, xin noãn của người phụ nữ khác để thụ tinh bình thường.
9.4. U nang buồng trứng kích thước bao nhiêu thì mổ?
Kích thước của khối u nang chỉ là một trong số nhiều yếu tố mà người ta dựa vào đó để xem xét có nên mổ để loại bỏ khối u hay không. Thông thường bác sĩ sẽ can thiệp mổ u nang khi khối u có kích thước trung bình trở lên (khoảng 8- 15cm). Tuy nhiên trên thực tế vẫn cần dựa vào những yếu tố liên quan khác như tuổi của bệnh nhân, tình trạng dính của khối u với cơ quan xung quanh, loại khối u,… từ đó mới đưa ra được giải pháp điều trị phù hợp nhất. Cũng nên lưu ý rằng chỉ nên phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân có toàn trạng ổn định và không có các bệnh lý nền kèm theo.
Trên đây là một số thông tin về bệnh u nang buồng trứng ở chị em phụ nữ. Tỷ lệ bệnh này khá cao và đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phải. Do đó chị em không nên chủ quan khi có bất cứ một dấu hiệu bất thường nào. Hy vọng bài viết này sẽ giúp chị em hiểu hơn về bệnh lý này. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.
Xem thêm:
Ca lâm sàng: Biến chứng trẻ nhỏ so với tuổi thai do tiền sản giật