Nấc hay nhiều người còn hay gọi là nấc cụt, gặp ở hầu hết mọi người và được coi là hiện tượng sinh lý của cơ thể. Nhưng trong một số trường hợp đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Vậy nấc là gì, nguyên nhân nấc là do đâu? Nấc nhiều, liên tục có nguy hiểm không? Làm cách nào để chữa nấc? Bài viết này sẽ giúp giải đáp các thắc mắc cho bạn. Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
1, Nấc là hiện tượng gì?
Nấc là một hiện tượng sinh lý của cơ thể, xảy ra khi cơ hoành bị kích thích gây co thắt một cách đột ngột, không liên tục và không theo ý muốn của chúng ta.
Cơ hoành là một cơ hô hấp lớn ngăn cách giữa phần ngực và phần bụng. Hoạt động lên xuống của cơ hoành sẽ tham gia vào động tác hít thở của chúng ta. Khi chúng ta hít vào, cơ hoành sẽ co lại, di động đi xuống dồn về phía bụng giúp phổi nở ra. Trong động tác thở ra, ngược lại cơ hoành sẽ giãn và di động đi lên, phổi sẽ thải khí CO2 ra ngoài.
Hoạt động sinh lý của cơ hoành sẽ giúp cho hô hấp diễn ra bình thường. Khi cơ hoành co thắt không nhịp nhàng sẽ tống ra một lượng khí nhanh và mạnh. Luồng khí đó sẽ va chạm vào dây thanh âm, khiến dây thanh âm đóng mở một cách đột ngột, tạo ra tiếng “hic”- Âm thanh ta hay nghe được khi bị nấc cụt. Khi bị nấc sẽ làm cho người ta rất khó chịu và bất tiện. Những cơn nấc ngắn và nhanh hết thì không quá phiền phức nhưng cơn nấc kéo dài sẽ dễ khiến cho người ta mệt mỏi và bực mình.
Nấc có thể gặp ở bất cứ ai, bất kỳ độ tuổi nào, kể cả ở bào thai đang trong bụng mẹ cũng có thể bị nấc. Tuy nhiên nấc có thể gặp nhiều hơn ở nam giới, ở những người có tâm lý cảm xúc mạnh, hay lo lắng và dễ phấn khích. Và hay gặp ở bệnh nhân sau phẫu thuật ổ bụng, hoặc sau gây mê toàn thân trước phẫu thuật.
2, Triệu chứng biểu hiện của nấc
Nấc thường diễn ra thành từng cơn. Mỗi cơn nấc thường kéo dài trong vài phút hoặc vài giờ, thậm chí có thể đến 1-2 ngày. Tần số nấc trong một phút từ 2 đến 60 lần tùy từng người.
Nấc thường xuất hiện đột ngột, tự nhiên mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào. Mỗi một tiếng nấc thường là sự co thắt nhẹ ở ngực hoặc họng trước khi có tiếng nấc. Do vậy, nấc có thể không ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe toàn thân. Nhưng nếu nấc trong thời gian dài sẽ làm co thắt ngực liên tục, gây ra cảm giác khó chịu mỗi lần nấc.
Nấc diễn ra dưới 48h được coi là nấc cụt sinh lý. Nếu nấc kéo dài trên 48h thì được coi là nấc kéo dài.
Trong trường hợp bị nấc kéo dài, thì đây có thể là biểu hiện của bệnh lý các cơ quan đường tiêu hóa, hoặc ở những người có các bệnh lý ở vùng thực quản, trung thất. Cần chú ý theo dõi các biểu hiện như: đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn… hay gặp trong bệnh lý dạ dày tá tràng. Hay biểu hiện như đau họng, tức ngực, nuốt nghẹn… hay gặp trong các bệnh lý vùng trung thất.
Nấc có thể không nguy hiểm, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu báo trước bạn đang bị bệnh nào đó. Vì vậy đừng đừng chủ quan khi bị nấc bạn nhé.
3, Nguyên nhân thường dẫn đến nấc
Nguyên nhân gây ra nấc thường là những tác động kích thích vào cơ hoành, làm cho cơ hoành co thắt và tạo ra tiếng nấc.
Nguyên nhân gây ra nấc sinh lý thường rất mơ hồ, không cụ thể và rõ ràng. Những nguyên nhân được kể dưới đây là kết quả của sự quan sát và kinh nghiệm hằng ngày:
- Ăn quá no: Khi ăn quá nhiều làm dạ dày bị giãn, sẽ đẩy lên cơ hoành, tạo ra những cơn nấc ngắn. Sử dụng nhiều đồ uống có gas cũng là khiến dạ dày bị giãn.
- Ăn quá nhanh: động tác ăn nhanh sẽ tăng nuốt không khí vào bụng, khiến thanh quản bị đóng kín, gây ra nghẹn và nấc. Tương tự thì động tác nhai kẹo cao su cũng có thể gây ra nấc, vì nuốt nhiều khí vào dạ dày.
- Khi khát nước : chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ sự liên quan giữa hai điều này. Tuy nhiên theo kinh nghiệm dân gian, khi nấc, là báo hiệu cơ thể đang khát nước. Ta cần bổ sung nước ngay bằng đường uống.
- Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, thay đổi nhiệt độ không khí đột ngột, khi bị căng thẳng tinh thần…
Nấc kéo dài trên 48 giờ có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Nấc bệnh lý có thể bị gây nên do một số nguyên nhân như:
- Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do các bệnh thuộc hệ thống đường tiêu hóa như viêm thực quản cấp hoặc mạn tính, chứng trào ngược dạ dày thực quản, các bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng hoặc ung thư dạ dày. Các bệnh về dạ dày tá tràng sẽ làm tăng tiết dịch acid dạ dày, gây đau bụng, đầy hơi, trướng bụng. Một số người sẽ gặp tình trạng nấc do thần kinh chi phối cơ hoành bị kích thích.
- Ngoài ra các bệnh về đường mật như viêm túi mật, sỏi mật hoặc viêm tụy cấp cũng có thể kích thích thần kinh phế vị hoặc thần kinh hoành vị, gây ra những cơn nấc.
- Do chấn thương hay các kích thích lên dây thần kinh hoành vị – chi phối hoạt động của cơ hoành. Có thể các nguyên nhân như bướu cổ, u hay nang thực quản và vùng trung thất, đau họng… Đôi khi cũng là những tác động từ bên ngoài lên vùng ngực.
- Nguyên nhân do não hoặc tủy sống. Khi các bộ phận này tổn thương, cơ thể sẽ không còn khả năng kiểm soát: đột quỵ, chẩn thương não, viêm não… Đây là những trường hợp nặng và nấc chỉ là một triệu chứng phụ.
- Do nhiễm độc chuyển hóa trong các bệnh tiểu đường, suy thận, hay do sử lạm dụng rượu trong một thời gian dài.
- Can thiệp một số thủ thuật cũng có thể dẫn đến nấc trong một thời gian dài. Phải kể đến một số thủ thuật như can thiệp mở khí quản trong trường hợp khó thở thanh quản, đặt ống nong vào thực quản để mở rộng thực quản…
- Sau các phẫu thuật ổ bụng như phẫu thuật dạ dày tá tràng, gan mật,… Do sau phẫu thuật dạ dày bị giãn hoặc sau gây tê, gây mê đặt nội khí quản làm kích ứng vùng hầu họng.
- Sử dụng các loại thuốc như corticoid, thuốc an thần gây ngủ benzodiazepin, hay một số loại thuốc điều trị bệnh Parkinson cũng có thể gây ra hiện tượng nấc. Ngay cả sử dụng kháng sinh cũng có thể gây nên nấc, như kháng sinh thuộc nhóm macrolid (erythromycin, azithromycin…), hoặc nhóm fluoroquinolon ( ciprofloxacin, ofloxacin…). Hay gặp trong tình trạng sử dụng hóa chất để điều trị ung thư.
4, Cách chữa hiệu quả khi bị nấc
Nấc không phải là một tình trạng quá nguy hiểm. Việc chữa nấc cũng không quá khó khăn nếu là nấc sinh lý. Còn nếu nấc trong các tình trạng bệnh lý thì nên điều trị các bệnh nguyên nhân thì mới cải thiện được các triệu chứng, trong đó có nấc. Các bạn có thể chữa nấc đơn giản bằng các mẹo dân gian hay dùng các phương pháp điều trị hiện đại nếu cần thiết.
4.1. Cách chữa mẹo tại nhà
Nếu bạn bị nấc kéo dài dưới 48h, thì có thể thử những mẹo dưới đây
- Thay đổi nhịp thở và tư thế thở
Thay đổi nhịp thở: Mục đích để làm gián đoạn hệ thống hô hấp của bạn, từ đó làm gián đoạn những tiếng nấc và cắt cơn nấc.
Cách làm 1: Bạn bắt đầu đếm từ 1 đến 5, sau đó hít vào và thở ra nhẹ nhàng, thực hiện trong vòng 2-3 phút sau đó dừng lại. Nếu chưa hết nấc thì tiếp tục thử lại như lần đầu.
Cách làm 2: Hít một hơi thật sâu, sau đó giữ hơi trong khoảng 10-20 giây rồi thở ra. Lặp lại 3 đến 4 lần đến khi hết nấc.
- Gây áp lực nên cơ hoành để làm ức chế sự hoạt động quá mức kiểm soát của nó.
Cách làm 1: Nghiêng người hoặc cúi người về phía trước trong thời gian 1 phút. Nếu chưa hết nấc thì có thể thử lại lần 2
Cách làm 2: Tìm nơi thoáng mát và ôm đầu gối trong khoảng 2 phút. Tư thế chụm người ôm đầu gối sẽ tác dụng lực vào ngực và cơ hoành.
- Ức chế thần kinh quặt ngược giúp cơ hoành giảm co thắt
Cách làm 1: Dùng 2 ngón tay ép vào hai động mạch cảnh, tăng dần lực ép khi có cảm giác tức nặng thì giảm ép. Giữ trong vòng 10 giây, sau đó từ từ nhả tay. Có thể ép cùng lúc hoặc ép lần lượt hai bên
Cách làm 2: Nằm xuống và quay đầu sang trái. Xoa bóp động mạch cảnh bên phải theo chuyển động tròn trong 5 đến 10 giây, rồi ấn một lực nhẹ trước khi kết thúc động tác.
- Chữa mẹo theo y học cổ truyền, dùng các huyệt đạo
Huyệt đạo là những khu vực đặc biệt nhạy cảm với áp lực. Khi tác dụng lực lên những điểm này có thể giúp thư giãn cơ hoành, hoặc dây thần kinh phế vị.
Bóp lòng bàn tay: Dùng đầu ngón tay cái ấn vào lòng bàn tay còn lại và giữ trong khoảng 10 giây, sau đó đổi tay. Thực hiện động tác 2 bên từ 3 đến 4 lần. Theo Y học cổ truyền, huyệt vị Lao Cung ở giữa lòng bàn tay có nhiều tác dụng, trong đó có trị nấc cụt.
Kéo lưỡi: Mục đích để kích thích các dây thần kinh trong cổ họng. Cách làm: Cầm đầu lưỡi và kéo nhẹ nhàng về phía trước bốn hoặc năm lần.
Áp lực trực tiếp vào cơ hoành: Cách làm: dùng đầu ngón tay ấn vào vị trí ngay dưới cuối xương ức, dùng lực nhẹ và giữ trong khoảng 10s, thực hiện 2-3 lần
Ngoài ra có thể chữa nấc cụt bằng cách ăn uống của bạn, dưới đây là một số mẹo được lưu truyền trong dân gian:
- Uống từ từ một cốc nước lạnh. Hoặc bạn có thể uống từng ngụm, nam 7 ngụm, nữ 9 ngụm. Khi uống có thể ngậm ngụm nước 1 đến 2 giây trước khi nuốt suốt
- Uống từ từ một ly nước ấm trong một hơi dài mà không ngắt hơi thở.
- Ngậm một viên đá lạnh trong miệng cho đến khi nó tan hết.
- Ăn một thìa đường, hoặc một thìa mật ong. Nên giữ ngậm trong miệng vài giây để chúng tan sau đó nuốt xuống
Mục đích chính của các phương pháp trên là tạo ra những kích thích khác lên dây thần kinh phế vị để mất đi phản xạ nấc. Ngoài ra có sử dụng cách đánh lạc hướng sự tập trung của người bị nấc, hoặc làm người bị nấc giật mình đột ngột. Phản xạ nấc sẽ mất đi khi ta không còn để ý đến nó, hoặc khi bị thay thế bởi một kích thích khác.
4.2. Điều trị theo y học hiện đại
Thông thường các cơn nấc sẽ không cần sử dụng thuốc điều trị và sẽ hết trong vòng 48 giờ. Nhưng nếu sau 48 giờ vẫn chưa dứt cơn nấc, có một số loại thuốc có thể dùng để cắt cơn như sau:
- Chlorpromazine : là thuốc chống loạn thần, có tác dụng an thần và làm giãn cơ hoành. Thuốc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt. Tác dụng phụ của thuốc là gây buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng…
- Metoclopramid: thuốc đối kháng dopamin, có tác dụng an thần, thường sử dụng với mục đích chống nôn. Thuốc có tác dụng chống co thắt cơ hoành, nên có tác dụng điều trị nấc. Thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, hạ huyết áp cho người sử dụng
- Baclofen: là thuốc giãn cơ, chống co thắt ngoài ra thuốc còn có cấu tạo tương tự GABA nên còn tham gia điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Khi dùng liều cao có thể gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu mất ngủ…
Các thuốc kể trên chủ yếu là các loại thuốc tác động vào hệ thần kinh nên sẽ gây ức chế hệ thần kinh trung ương nếu dùng quá liều. Do đó cần có sự cho phép và chỉ định của bác sĩ mới được phép sử dụng. Tránh tình trạng tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà vì những thuốc này chỉ có khả năng điều trị triệu chứng nấc, không có khả năng điều trị nguyên nhân.
Có thể nấc là dấu hiệu của các bệnh lý về đường tiêu hóa, hay các bệnh thuộc vùng trung thất, hoặc bệnh về hệ thống thần kinh trung ương. Trong các trường hợp này, ngoài điều trị cắt cơn nấc cần phải điều trị triệt để cả bệnh lý nền của bệnh nhân. Một khi các bệnh lý đó được điều trị ổn định thì cơn nấc mới được khắc phục.
Trong trường hợp mọi biện pháp điều trị đều không đạt được kết quả như mong muốn thì phẫu thuật cắt dây thần kinh hoành là biện pháp cuối cùng. Sẽ cân nhắc can thiệp cắt khi bệnh có xu hướng tăng cả về cường độ và tần suất xuất hiện cơn nấc làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân.
4.3. Điều trị nấc cụt cho trẻ sơ sinh
Sau đây là một số mẹo để trị nấc cụt cho các bé sơ sinh, các mẹ có thể tham khảo nhé:
- Mẹ lấy hai ngón tay rồi bịt kín hai lỗ tai của con khoảng 30 giây, hoặc dùng ngón trỏ và ngón cái bóp nhẹ nhàng nhưng đủ kín mũi bé, đồng thời giữ miệng bé khép trong vòng 3 giây sau đó nghỉ 3 giây. Làm như vậy lặp lại 10 đến 20 lần cho tưới khi hết nấc.
- Thay đổi tư thế khi cho em bé bú. Mẹ nên bế bé dát và để miệng bé tạo góc 90 độ với núm vú của mẹ để tránh không khí lọc vào miệng bé khi đang bú gây nấc,
- Vỗ nhẹ nhàng trên lưng bé cho đến khi có dấu hiệu ợ hơi, bé sẽ hết nấc.
- Cho bé uống nước từung ít một cũng là một cách để dừng cơn nấc
5, Bị nấc thường xuyên có nguy hiểm không?
Nấc đa số chỉ là một biểu hiện sinh lý, giúp bảo vệ cơ thể mà ai trong chúng ta cũng sẽ gặp trong đời. Cơn nấc bình thường không kéo dài quá 48 giờ. Nó sẽ tự hết mà không cần phải điều trị gì. Do đó, với những cơn nấc thông thường, thời gian kéo dài ngắn, tần suất xuất hiện không nhiều thì bạn có thể yên tâm vì đó chỉ là kích thích bình thường của cơ thể. Bạn có thể áp dụng những mẹo chữa ở trên để cơn nấc nhanh qua đi.
Tuy nhiên, nếu cơn nấc kéo dài trên 48 giờ, tần suất xuất hiện cơn nấc nhiều, nấc liên tục, tiếng nấc to, thì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý. Đi kèm với triệu chứng nấc là cà biểu hiện về đường tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, ợ chua… thì có thể bạn có bệnh lý về dạ dày, tá tràng. Nếu nấc đi cùng với đau tức ngực, nuốt nghẹn thì có thể là biểu hiện của bệnh về thực quản. Trong một số trường hợp nguy hiểm hơn, nấc liên tục không ngừng có thể là biểu hiện của đột quỵ hoặc có vấn đề về hệ thần kinh trung ương.
Do đó, dù nấc không phải tình trạng nguy hiểm nhưng khi bị nấc thì bạn nên chú ý theo dõi đặc điểm của cơn nấc và các triệu chứng đi kèm để có thể kịp thời phát hiện tình trạng bệnh của mình.
6, Khi nào cần đến gặp bác sĩ nếu bị nấc cụt?
Những trường hợp cơn nấc kéo dài trên 48 giờ, xuất hiện nhiều, điều trị tại nhà không khỏi, và đi kèm với nó là những triệu chứng về bệnh lý khác thì cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có thể thăm khám và điều trị kịp thời nhằm cắt cơn nấc và điều trị nguyên nhân.
Nếu cơn nấc có tần số nhanh, xuất hiện liên tục, kéo dài nhiều giờ, mà không tìm được nguyên nhân, gây khó chịu, mệt mỏi cho người nấc, thì bạn cũng có thể tìm đến bác sĩ. Các bác sẽ tư vấn và hướng dẫn bạn đơn thuốc nhằm mục đích cắt cơn. Tuy nhiên cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ vì những thuốc này đem lại rất nhiều tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ hoặc gây buồn ngủ tùy loại thuốc.
Trong trường hợp điều trị thuốc không đỡ, tình trạng nấc xuất hiện ngày một nhiều và nghiêm trọng,ảnh hưởng tới sức khỏe. Cần tới khám để các bác sĩ cân nhắc có can thiệp phẫu thuật cắt dây hoành hay không.
Trên đây là những hiểu biết của chúng tôi về biểu hiện nấc. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tham khảo được một số kinh nghiệm chữa nấc tại nhà, và biết lúc nào thì cần đến gặp bác sĩ kịp thời.